Mới đây, Google Cloud đã công bố 5 xu hướng AI nổi bật sẽ định hình cách các doanh nghiệp vận hành, tương tác và đổi mới trong năm 2025. Những xu hướng này không chỉ phản ánh tốc độ phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực doanh nghiệp, mà còn mở ra cơ hội ứng dụng cụ thể trong các hoạt động chiến lược như marketing, chăm sóc khách hàng, vận hành nội bộ và bảo mật dữ liệu.
Trong bài viết dưới đây, Kompa sẽ cùng bạn điểm qua từng xu hướng cùng những tiềm năng ứng dụng cụ thể trong Social Listening, từ mở rộng khả năng thu thập dữ liệu phi văn bản, tự động hóa quy trình phân tích, tăng tốc phản hồi cảm xúc khách hàng, đến phát hiện khủng hoảng truyền thông và bảo vệ thương hiệu trước rủi ro trên không gian số.
Multimodal AI là công nghệ cho phép AI xử lý đồng thời nhiều loại dữ liệu như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, giúp máy móc hiểu ngữ cảnh giống cách con người cảm nhận thế giới.
Trong khi phần lớn hệ thống Social Listening hiện nay vẫn dựa vào dữ liệu văn bản (status, caption, hashtag…), Multimodal AI hứa hẹn sẽ tạo ra bước chuyển mang tính nền tảng trong tương lai gần đưa khả năng lắng nghe thương hiệu vượt ra khỏi giới hạn văn bản để tiếp cận toàn diện hơn với mọi loại nội dung mà người dùng tạo ra.
AI Agents là các tác nhân thông minh có khả năng lập kế hoạch, ghi nhớ, tự học và ra quyết định, thay con người xử lý các tác vụ một cách linh hoạt và tự chủ. Ở cấp độ cao hơn, hệ thống đa tác nhân (multi-agent systems) cho phép nhiều agent phối hợp để xử lý quy trình phức tạp mà không cần can thiệp thủ công.
Khi Social Listening mở rộng về quy mô và tốc độ, AI Agents hứa hẹn sẽ trở thành “bộ máy phân tích và phản ứng tự động” của thương hiệu trong tương lai. Không chỉ thu thập và phân tích, các tác nhân AI còn có thể đưa ra cảnh báo, đề xuất hành động tất cả đều được vận hành tự động, nhanh chóng và thông minh.
Assistive Search – thế hệ mới của công cụ tìm kiếm hỗ trợ bởi AI – ảnh minh họa
Assistive Search – thế hệ mới của công cụ tìm kiếm hỗ trợ bởi AI, có khả năng hiểu ngôn ngữ tự nhiên, phân tích ngữ cảnh và truy xuất thông tin từ nhiều định dạng dữ liệu như văn bản, bảng tính, tài liệu đa phương tiện… Thay vì chỉ “tìm từ khóa”, hệ thống này có thể diễn giải câu hỏi phức tạp và đưa ra câu trả lời sát nhu cầu thực tế.
Khi đưa vào ứng dụng trong Social Listening, Assistive Search sẽ đóng vai trò là “trợ lý truy vấn” giúp thương hiệu khai thác tri thức hiệu quả hơn từ chính kho dữ liệu của mình. Đây sẽ là nền tảng để tăng tốc phân tích, rút ngắn khoảng cách giữa insight và hành động.
AI-powered Customer Experience (CX) là xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa và tự động hóa từng điểm chạm trong hành trình khách hàng, từ nhận diện nhu cầu đến phản hồi tức thời. AI không chỉ phản ứng, mà còn dự đoán hành vi, cảm xúc và kỳ vọng của khách hàng, tạo nên trải nghiệm tự nhiên, hiệu quả và liền mạch.
Khi được kết hợp với Social Listening, AI-powered CX sẽ biến dữ liệu thành hành động, giúp thương hiệu chuyển từ “biết khách hàng nghĩ gì” sang “đáp ứng khách hàng đúng lúc trên môi trường mạng xã hội. AI nhận diện cảm xúc của người dùng từ bình luận, tin nhắn, đánh giá – từ đó đánh giá tình trạng hài lòng, bức xúc hay trung lập. Social Listening tích hợp với CX platform để gợi ý cách phản hồi phù hợp.
AI nhận diện cảm xúc của người dùng từ bình luận, tin nhắn, đánh giá – ảnh mình họa
Security with AI là xu hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo vào hệ thống an ninh nhằm phát hiện sớm, phản ứng nhanh và chủ động ngăn chặn các mối đe dọa số. Không chỉ ứng phó với tấn công mạng, AI còn được ứng dụng để chống thông tin sai lệch (disinformation), deepfake, và các hình thức thao túng truyền thông tinh vi – những yếu tố ngày càng hiện hữu trên các nền tảng xã hội.
Trong tương lai, khi môi trường truyền thông số trở nên phức tạp và dễ bị thao túng hơn, Security with AI trong Social Listening sẽ đóng vai trò là “lá chắn dữ liệu” giúp thương hiệu không chỉ lắng nghe mà còn bảo vệ mình khỏi những cuộc tấn công truyền thông có chủ đích.
Sự phát triển thần tốc của AI trong phân tích dữ liệu đang mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động nghiên cứu thị trường và ra quyết định của doanh nghiệp. Theo Stanford AI Index 2024, số lượng mô hình nền tảng đã tăng từ 2 (năm 2020) lên 149 (năm 2023) – phản ánh rõ AI đã trở thành nền tảng công nghệ cốt lõi trong các hệ thống phân tích dữ liệu hiện đại.
Đặc biệt với Social Listening, nơi dữ liệu mạng xã hội ngày càng phong phú và phức tạp, AI giữ vai trò then chốt trong việc thu thập, xử lý và chuyển hóa dữ liệu thành insight giá trị. Việc ứng dụng hiệu quả 5 xu hướng AI tiêu biểu trên sẽ là lợi thế cạnh tranh quyết định cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân tích dữ liệu số. Không chỉ nâng cao độ chính xác và tốc độ phản ứng, những xu hướng này còn mở ra một không gian cạnh tranh mới giữa các nền tảng và sản phẩm AI chuyên biệt.