Lễ diễu binh mừng 50 ngày Giải phóng miền Nam – Thống nhất Đất Nước giờ đây không chỉ là hoạt động chính trị – văn hóa trọng đại, mà còn trở thành một hiện tượng mạng xã hội với cách thể hiện lòng yêu nước rất riêng của thế hệ trẻ.
Với hơn 12.1 triệu lượt đề cập và gần 59 triệu lượt tương tác trên các nền tảng mạng xã hội từ 1/4–23/4/2025, làn sóng hưởng ứng và thể hiện tinh thần yêu nước của người trẻ đã chứng minh niềm tự hào và sự gắn kết mạnh mẽ của cộng đồng mạng – đặc biệt là Gen Z – với các giá trị dân tộc.
Cụm từ “Concert Quốc Gia” trở thành từ khóa viral, kéo theo loạt những khẩu hiệu thể hiện tinh thần yêu nước được sáng tạo dựa trên mô-típ concert âm nhạc được Gen Z yêu thích. Khi nhìn vào top các chủ đề thảo luận nổi bật xoay quanh lễ diễu binh 30/4, có thể thấy rõ sự cộng hưởng cảm xúc mạnh mẽ lan tỏa từ cộng đồng mạng.
73% thảo luận thể hiện sự ngưỡng mộ & tự hào với các màn diễu binh của quân đội nhân dân Việt Nam. Người trẻ gọi đây là “Đi trong vòng tay nhân dân”. 12% là những chia sẻ đầy hứng khởi về luyện tập cổ vũ, chọn outfit, dựng kế hoạch “đi đu concert”, “lightstick” cờ đỏ sao vàng trở thành biểu tượng thể hiện sự mong đợi và phấn khích của cả cộng đồng về ngày lễ trọng đại. Trong khi đó, 9% các thảo luận người dùng xúc động trước “visual 10 điểm không có nhưng” và những tương tác với người dân của các chiến sĩ. Dù các thảo luận nói bằng ngôn ngữ mạng nhưng vẫn lan tỏa cảm xúc thật sự chính là sự kính trọng, là niềm tự hào khi thấy hình ảnh chiến sĩ xuất hiện uy nghiêm, hùng tráng nhưng không hề xa cách.
Hành trình của các cá nhân vượt hàng ngàn km từ Bắc vào Nam để xem diễu binh cũng được cộng đồng đặc biệt quan tâm. Nổi bật là hành trình của cụ ông Cựu chiến binh U80 Trần Văn Thanh đi xe máy từ Nghệ An vào Tp.HCM xem diễu binh khiến cộng đồng nể phục và đầy xúc động.
Với 58% người tham gia thảo luận đến từ thế hệ Gen Z, người trẻ đang chứng minh rằng: họ không thờ ơ với các giá trị truyền thống – họ chỉ thể hiện theo một cách khác biệt nhưng vẫn giữ nguyên tình cảm trong sáng. Khi Gen Z gọi lễ diễu binh là “Concert Quốc Gia”, đó không phải là sự hài hước bông đùa – mà là cách họ thể hiện sự trân trọng, biến giá trị truyền thống thành niềm tự hào cá nhân.
Gen Z với xu hướng “nhập vai” vào mọi trải nghiệm, biến nó thành một phần cá nhân hoá. Tương tự như cách họ cổ vũ thần tượng bằng lightstick, fanchant và check-in, họ mang toàn bộ “toolkit concert” đó đến với lễ. Việc gọi lễ diễu binh là “concert” là cách Gen Z chuyển hóa một nghi lễ trang trọng thành một trải nghiệm gần gũi, sống động và có thể chia sẻ.
“Concert Quốc Gia” – một cái tên thân thương trở thành nhịp cầu cảm xúc giữa các thế hệ, đó không đơn thuần là sự sáng tạo vui nhộn mà chính là cách họ thể hiện tình yêu nước từ những cảm hứng gần gũi và đời thường. Cách gọi ấy đã biến lễ diễu binh – vốn được xem là nghi lễ trang trọng – thành một dịp hội tụ cảm xúc sống động, nơi các thế hệ cùng nhau bày tỏ lòng tri ân, niềm tự hào và tình yêu thương đất nước theo cách riêng của mình. Gen Z đã mang đến sự trẻ trung, hào hứng, nhập vai bằng fanchant, lightstick và check-in như thể đang cổ vũ cho một thần tượng – nhưng thần tượng ấy không ai khác chính là Tổ Quốc, là những chiến sĩ uy nghiêm nhưng không xa cách.