Bước vào những tháng đầu năm 2025, mạng xã hội bùng nổ với loạt slang thu hút hàng triệu lượt thảo luận gồm Cơm nước gì chưa người đẹp”, “Joke Of The Day” và “BTS”. Không chỉ Gen Z, Gen Y mà loạt nhiều Thương hiệu cũng tích cực sử dụng và tạo ra nhiều phiên bản biến tấu, khiến các slang này nhanh chóng lan rộng trên khắp các nền tảng. Đâu là slang thống trị MXH, hãy cùng Kompa khám phá và rút ra bí kíp ứng dụng để sáng tạo nội dung viral từ social slang dành cho Thương hiệu.
Bước vào đầu năm 2025, ba slang nổi bật nhất trên mạng xã hội gồm “Cơm nước gì chưa người đẹp”, “Joke Of The Day” và “BTS” đã thu hút sự quan tâm lớn từ người dùng. Tuy nhiên, không phải slang nào cũng đạt được mức độ lan tỏa mạnh mẽ và duy trì sức nóng lâu dài. Khi phân tích số liệu, “Cơm nước gì chưa người đẹp” nổi bật hơn hẳn, trở thành hiện tượng viral lớn nhất trong giai đoạn này.
‘Cơm nước gì chưa người đẹp” dẫn đầu với 6,4 triệu lượt thảo luận và 31,8 triệu lượt tương tác, vượt xa “Joke Of The Day” (373.319 lượt thảo luận, 2 triệu tương tác) và “BTS” (15.923 lượt thảo luận, 153.834 tương tác). Đặc biệt, “Cơm nước gì chưa người đẹp” gần như thống trị hoàn toàn trên TikTok, với 98% thảo luận diễn ra trên nền tảng này, cho thấy sự bùng nổ mạnh mẽ trong cộng đồng người dùng trẻ.
Từ đồ thị xu hướng thảo luận, có thể thấy rằng “Cơm nước gì chưa người đẹp” không chỉ có lượng thảo luận áp đảo mà còn duy trì sức nóng lâu hơn hẳn. Ngay từ ngày 17/2, slang này đã khởi động mạnh mẽ với 717.796 thảo luận, đạt đỉnh vào ngày 19/2 với 1,1 triệu thảo luận, sau đó duy trì sức hút liên tục trong 5 ngày trước khi giảm dần. Trong khi đó, “Joke Of The Day” có mức tăng trưởng chậm hơn, đạt đỉnh vào ngày 20/2 với 88.578 thảo luận, chỉ bằng 8% so với đỉnh của “Cơm nước gì chưa người đẹp”, và giảm mạnh sau ngày 23/2. “BTS” gần như không tạo ra làn sóng lớn, khi lượng thảo luận cao nhất chỉ khoảng 15.923, không có bất kỳ đợt bùng nổ nào đáng kể.
Yếu tố giúp “Cơm nước gì chưa người đẹp” thống trị MXH không chỉ nằm ở số liệu thảo luận mà còn ở tuổi thọ viral dài hơn. Dù đã qua đỉnh cao ngày 19/2, nó vẫn duy trì hàng trăm nghìn lượt thảo luận mỗi ngày, chứng tỏ sức lan tỏa bền vững. Trong khi đó, “Joke Of The Day” có mô hình viral ngắn hạn hơn, hạ nhiệt nhanh từ ngày 23/2, và “BTS” chỉ tồn tại trong một cộng đồng nhỏ mà không thể lan rộng.
Những số liệu này khẳng định rằng “Cơm nước gì chưa người đẹp” không chỉ là một trào lưu bùng phát, mà thực sự là một hiện tượng MXH đầu năm 2025.
Slang “Cơm nước gì chưa người đẹp?” không chỉ lan tỏa mạnh mẽ mà còn trở thành hiện tượng viral nhờ những yếu tố đặc biệt sau:
1. Nguồn gốc đại chúng, dễ tiếp cận Gen Z & Gen Y, dễ sáng tạo nội dung
Slang này bắt nguồn từ một câu hỏi giao tiếp thường ngày được TikToker Nghi khùn nhắc lại, slang tạo cảm giác gần gũi và dễ hiểu với đại đa số người dùng MXH, đặc biệt là Gen Y (64%) và Gen Z (36%). Cấu trúc slang đơn giản, dễ biến tấu chỉ cần thay vế phía trước là đã tạo ra một biến thể mới như “Trả nợ gì chưa người đẹp?”, “Deadline gì chưa người đẹp?”…., khiến nội dung không bị nhàm chán mà ngày càng phong phú hơn.
2. Sự tham gia của người nổi tiếng tạo nội dung trên TikTok
Một trong những yếu tố quan trọng khiến slang này viral mạnh mẽ là sự hưởng ứng của các KOLs, influencers trên TikTok. Nổi bật là clip của JSOL và Cris Phan. Những phiên bản hài hước này thu hút lượt lớn thảo luận và tương tác chia sẻ, tạo ra hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ.
3. TikTok – Bệ phóng lý tưởng đẩy nhanh tốc độ viral
Khác với Facebook hay Instagram, TikTok có thuật toán ưu tiên nội dung ngắn, sáng tạo, dễ tiếp cận với nhiều đối tượng người dùng. Với 98% thảo luận về slang này đến từ TikTok, có thể thấy nền tảng này đóng vai trò trung tâm giúp slang nhanh chóng đạt độ phủ sóng cao. TikTok cho phép người dùng dễ dàng remix, sử dụng lại âm thanh, thử thách hoặc sáng tạo thêm biến thể, khiến trend không chỉ lan nhanh mà còn duy trì độ hot lâu hơn.
4. Sự tham gia mạnh mẽ của Thương hiệu giúp duy trì sức nóng
Không chỉ dừng lại ở người dùng cá nhân, hơn 1.700 thương hiệu đã khai thác để sáng tạo những nội dung độc đáo, giúp slang tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ. Nổi bật phải kể đến bài đăng của các Thương hiệu lớn như Spotify, NXB Kim Đồng, GoGi House… Sự tham gia của Thương hiệu không chỉ tạo thêm nội dung viral mà còn giữ cho trend tồn tại lâu hơn, thay vì chỉ là một trào lưu ngắn hạn.
Dữ liệu phân tích từ 3 slang hot nhất đầu năm 2025 không chỉ giúp chúng ta thấy slang nào thống trị MXH, mà còn đưa ra nhiều bài học quan trọng cho Marketer khi muốn tận dụng social slang để sáng tạo nội dung và tạo hiệu ứng viral. Để Thương hiệu có thể “bắt slang” thành công, điều quan trọng không chỉ là nhanh tay, mà còn ở nhiều yếu tố sau:
1. Chọn Slang “đỉnh”
Không phải slang nào cũng có thể dùng được trong truyền thông Thương hiệu. Một số slang có tính đại chúng, dễ tiếp cận với nhiều nhóm đối tượng, trong khi một số khác chỉ phổ biến trong cộng đồng nhất định. Những Slang có nguồn gốc bình dân như “Cơm nước gì chưa người đẹp”, dễ tiếp cận, dễ biến tấu sẽ dễ sáng tạo, dễ viral. Những Slang có tính lan truyền trong cộng đồng cụ thể sẽ phù hợp với nhóm đối tượng nhất định. “Joke Of The Day” và “BTS” có tính đặc thù cao hơn, phù hợp với một nhóm đối tượng cụ thể hơn thay vì đại chúng.
2. Phối hợp hài hòa giữa yếu tố Thương hiệu và slang
Từ bài đăng bắt trend social slang có tính sáng tạo cao của Spotify, KFC và Be cho thấy cách các Thương hiệu linh hoạt “đi cùng” ngôn ngữ mạng mà vẫn giữ được bản sắc riêng.
Spotify đã có một pha bắt trend social slang đầy sáng tạo với câu slogan biến tấu “Nhạc nhẽo không gián đoạn gì chưa người đẹp?”. Xuất phát từ thông điệp cốt lõi của Spotify Premium – “Tận hưởng âm nhạc không gián đoạn”, thương hiệu đã khéo léo lồng ghép vào trào lưu mạng xã hội đang thịnh hành: “Cơm nước gì chưa người đẹp?” – một câu nói hài hước, thân thiện thường được dùng để bắt chuyện. Sự kết hợp này không chỉ giúp Spotify giữ vững tinh thần thương hiệu (trải nghiệm nghe nhạc mượt mà, không quảng cáo) mà còn tạo nên một cách giao tiếp gần gũi.
Bắt trend chơi chữ thịnh hành, KFC đã tận dụng sự sáng tạo trong ngôn ngữ thành một câu joke hài hước nhưng vẫn khéo léo lồng ghép Thương hiệu cùng sản phẩm trọng điểm.
Ứng dụng gọi xe và giao đồ ăn Be đã có một màn “đu trend” đỉnh, khi kịp thời nắm bắt sự kiện fanpage BTS thay đổi Avatar màu vàng để ủng hộ một thành viên ra mắt ca khúc mới, Be – với màu nhận diện thương hiệu cũng là màu vàng – đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội bằng một phiên bản sáng tạo: “Be Trà Sữa”.
3. Nắm bắt thời điểm vàng
Nhìn vào dữ liệu trendline, có thể thấy slang bùng nổ rất nhanh và cũng có thể hạ nhiệt nhanh chóng. Vì vậy cần nắm bắt thời điểm tốt nhất để nhảy vào trend.
“Cơm nước gì chưa người đẹp” có thời gian viral dài hơn, với lượng thảo luận duy trì liên tục sau ngày đỉnh điểm (19/2). Các thương hiệu có thể tham gia bắt trend chậm một chút vẫn không bị lỗi thời.
“Joke Of The Day” và “BTS” nổi lên nhanh chóng nhưng nhanh chóng hạ nhiệt. Vì vậy, nếu thương hiệu muốn khai thác trend này, cần ra nội dung ngay khi trend đang lên.
Những dữ liệu và phân tích trên đã cho thấy sức mạnh của social slang trong việc lan tỏa nội dung trên mạng xã hội và cách mà các thương hiệu có thể tận dụng để kết nối với khách hàng một cách tự nhiên, hiệu quả. Slang không chỉ là một hiện tượng nhất thời, mà nếu biết cách ứng dụng khéo léo, thương hiệu có thể biến chúng thành một công cụ marketing mạnh mẽ, giúp gia tăng nhận diện và tương tác.